Bên cạnh những tác dụng của việc chụp X – Quang, tia X rất độc hại nếu chụp X – Quang không được tiến hành trong điều kiện an toàn, phòng chụp, thiết bị chụp không đạt tiêu chuẩn an toàn do Bộ Y tế và tổ chức Y tế thế giới đề ra. Bức xạ là một trong những tác nhân có thể liên quan tới bệnh tật, gây ra sự tổn thương bức xạ ở mức phân tử, tế bào và hệ thống cơ quan của con người.
Theo tiêu chuẩn thiết kế – phòng chẩn đoán hình ảnh: X – Quang, CT-Scanner, MRI shielding room phải đảm bảo các yêu cầu:
– Nền, sàn không được có bậc thang, không chênh cốt hoặc ngưỡng cửa, lát gạch ceramic, granit, tấm vinyl hoặc phủ sơn đặc biệt; đảm bảo phẳng, nhẵn, không trơn trượt, chịu được hoá chất, chống thấm, chống tĩnh điện
– Tường bên trong các phòng chiếu, chụp phải sử dụng vật liệu cản tia xạ (chì lá, vữa barit, cao su chì).
– Cửa chắn tia bức xạ phải đảm bảo các yêu cầu: Cánh cửa bọc vật liệu cản tia (chì lá, cao su chì….). Có đèn hiệu, biển cảnh báo bức xạ ở ngang tầm mắt ở mặt phía bên ngoài phòng. Cửa đóng mở nhẹ nhàng, đảm bảo kín không để lọt tia xạ khi chiếu, chụp.
– Các phòng đặt thiết bị X – Quang, máy chụp cắt lớp và máy cộng hưởng từ không bố trí cửa sổ để đảm bảo an toàn bức xạ, che chắn sóng điện từ. Phòng đặt thiết bị phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và đảm bảo an toàn (không để tia xạ lọt ra bên ngoài; không để lọt ánh sáng vào phòng rửa phim…).
– Phòng đặt máy X – Quang đáp ứng các yêu cầu: Thuận tiện cho việc lắp đặt, vận hành thao tác máy, di chuyển an toàn bệnh nhân. Khi tính toán, thiết kế độ dày của tường, trần, sàn và các cửa phòng X – Quang phải chú ý đến đặc trưng của thiết bị (điện thế, cường độ dòng điện), thời gian sử dụng máy, hệ số chiếm cứ bên ngoài phòng X quang mà tính toán chiều dày thích hợp cho từng bức tường, cửa, trần, sàn nhà. Đặc biệt ở vị trí giáp nối giữa tường và các cửa hoặc giữa các bức tường của phòng máy X – Quang phải được thiết kế, xây dựng bảo đảm mức bức xạ rò thoát ra ngoài không vượt quá 1 mSv/năm (không kể phông bức xạ tự nhiên). Các bức tường của phòng X – Quang phía ngoài có lối đi lại phải bảo đảm liều bức xạ cho phép trong một năm không được vượt quá 1 mSv (không kể phông bức xạ tự nhiên).
– Kích thước phòng X – Quang quy định như sau: Phòng X – Quang không có bàn bệnh nhân, diện tích của phòng không được nhỏ hơn 12m2, kích thước một chiều không nhỏ hơn 3m; Phòng X- Quang có trang bị bàn bệnh nhân cố định hay di động, diện tích của phòng không được nhỏ hơn 14m2, kích thước một chiều không nhỏ hơn 3m; Phòng X- Quang có trang bị bàn bệnh nhân có thể lật nghiêng được, diện tích của phòng không được nhỏ hơn 20m2, kích thước một chiều không nhỏ hơn 3,5m; Nếu máy X -Quang có bản thiết kế phòng của nhà sản xuất kèm theo, kích thước phòng tối thiểu phải không nhỏ hơn kích thước quy định bởi nhà sản xuất. Đối với các phòng X – Quang có kích thước nêu trên, tủ điều khiển phải đặt ở bên ngoài phòng X – Quang. Phòng xử lý phim phải biệt lập với phòng X – Quang, phải bảo đảm liều không ảnh hưởng đến quá trình xử lý phim và bảo đảm cho các phim chưa xử lý không bị chiếu quá liều (1,13 mR/tuần), không kể phông bức xạ tự nhiên. Cửa ra vào phòng xử lý phim không bị chiếu bởi các tia trực tiếp. Hộp chuyển catset đặt trong phòng X -Quang phải có vỏ bọc có độ dày tương đương là 2mm chì.
– Phòng hoặc nơi làm việc của nhân viên bức xạ phải biệt lập với phòng máy X – Quang. Độ bức xạ giới hạn cho phép tại bất kỳ điểm nào trong phòng không được vượt quá 1 mSv/năm (không kể phông bức xạ tự nhiên).